Kỹ năng tốc kí và đạo đức nghề nghiệp Thứ Năm - 4/4/2013


toc_ky.jpeg

Trong quá trình phiên dịch, chúng tôi thấy việc nghe, hiểu, nhớ và chuyển dịch các con số từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại không phải là việc dễ dàng. Đặc biệt, có những con số mà cách thức diễn đạt của hai ngôn ngữ rất khác biệt, chẳng hạn: năm 1900 tiếng Việt nói là một ngàn chín trăm trong khi tiếng Anh lại hay nói là nineteen hundred – mười chín trăm; hoặc fifteen hundred students attended the meeting – mười lăm trăm sinh viên tham dự cuộc mít tinh trong khi tiếng Việt phải nói một ngàn rưởi/một ngàn năm trăm sinh viên tham dự cuộc mít tinh. Ngược lại, tiếng Việt thường có cách nói Hơn hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc Việt Nam trong khi tiếng Anh phải dùng đến từ hàng trăm – Hơn hai trăm ngàn quân Tưởng kéo vào miền Bắc Việt Nam – Over two hundred thousand Chiang Kai-sek troops drew into the North of Vietnam. Sự vênh nhau về số đếm giữa tiếng Việt và tiếng Anh: một bên là một nghìn năm trăm, một bên là mười lăm trăm;một bên là hai mươi vạn, một bên là hai trăm ngàn không ít lần làm chúng tôi hết sức lúng túng.Vừa nghe, lại vừa phải ghi thật nhanh không chỉ các con số mà còn cả từ ngữ, luận điểm – điều đó đòi hỏi người phiên dịch phải có kĩ năng tốc kí (stenography). Như vậy, rất cần phải đưa kĩ năng tốc kí vào thành một môn học trong chương trình đào tạo phiên dịch.

Đạo đức Nghề nghiệp

Nghề nào cũng có những chuẩn đạo đức hay quy tắc ứng xử (professional ethics hoặc code of conduct) riêng của nó. Nghề phiên dịch cũng vậy. Hiện nay có khá nhiều bộ chuẩn đạo đức phiên dịch như bộ chuẩn của Cục Nhập cư và Tị nạn Canada (Immigration and Refugee Board of Canada), CALS (Community access and language service) của Anh, Hội đồng Dân tộc thiểu số Bắc Ai-len (Northern Ireland Council for Ethnic Minorities), Toà án tiểu bang Washington của Hoa Kì, v.v.

Trong những tài liệu như trên, có rất nhiều yêu cầu, quy tắc bắt buộc người phiên dịch phải tuân thủ. Tựu trung lại, những bộ chuẩn đạo đức/quy tắc ứng xử này chú trọng sự trung thành của người phiên dịch đối với ngôn bản và ý tưởng, thái độ của người nói, sự không thiên vị (impartiality) đối với các bên đối thoại và đặc biệt không được thêm thắt các bình luận, nhận xét hay thái độ của cá nhân người phiên dịch vào lời dịch. Phiên dịchphiên dịch, chứ không phải một bên tham gia cuộc đối thoại, tranh luận đang diễn ra đó. Đôi khi chúng tôi cũng gặp trường hợp phiên dịch “quên” mất vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình và đứng ra tranh luận như một đại biểu tham dự cuộc họp, hoặc “uốn” lời của diễn giả theo ý mình mà không truyền đạt trung thành lời nói của diễn giả. Bản thân chúng tôi nhiều lúc phải “nén mình” lại để thực hiện đúng chức trách của phiên dịch, mặc dù có nhiều điều rất bức xúc hoặc muốn đóng góp. Một trường hợp khác: có lần chúng tôi được mời đi phiên dịch cho một dự án ở một tỉnh, mặc dù ở tỉnh đó đã có phiên dịch chuyên nghiệp tại chỗ. Lí do đơn giản chỉ là vì trong một số cuộc họp trước, hai bên Việt Nam và nước ngoài có những điều không hiểu nhau, bên nước ngoài có những lời lẽ có thể gọi là “mắng” bên Việt Nam, và phiên dịch ở đó đã không dịch đúng nguyên bản bởi người bị “mắng” là xếp của anh ta và đương nhiên không thể “dám mắng xếp” mà phải đứng về phía xếp. Rốt cuộc là hai bên không đi đến thống nhất.

Sự trung thành và không thiên vị của người phiên dịch đặc biệt quan trọng trong những phiên toà. Một vài đồng nghiệp của chúng tôi đi phiên dịch cho toà án và cảnh sát ở Vương quốc Anh luôn luôn phải kí cam kết về những yêu cầu này và không được phép bênh vực cho bị can, bị cáo, mặc dù đó là những đồng bào của mình. Họ cũng có những biện pháp kiểm soát chất lượng của phiên dịch, và nếu phiên dịch vi phạm những quy tắc ứng xử nghề nghiệp thì sẽ bị xử lí thích đáng, hoặc đơn giản là mất việc – đồng nghĩa với việc mất “cần câu cơm”.

Trong quá trình đào tạo sinh viên phiên dịch, chúng tôi thiết nghĩ phải giới thiệu những bộ quy tắc ứng xử/chuẩn đạo đức nghề nghiệp này và đòi hỏi sinh viên phải liên tục rèn luyện nếu họ muốn thực sự trở thành một người phiên dịch chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó.

Trên đây là một vài đề xuất và lưu ý của chúng tôi đối với việc tuyển chọn và đào tạo sinh viên phiên dịch. Hi vọng những tiêu chí và lưu ý này sẽ được các thầy cô, anh chị em đồng nghiệp và các bạn sinh viên say mê nghề phiên dịch quan tâm và áp dụng nếu thấy hợp lí và hữu ích. 

Bài viết liên quan

VP Hà Nội
(024) 35202364 Hotline : 0903019361
Báo giá online
File đính kèm:
Upload: