Dịch thuật có phải là nghề giới trẻ chọn lựa được không?
Thứ Tư - 13/3/2013
Dịch thuật có phải là nghề giới trẻ chọn lựa được không? Chúng tôi "gõ cửa" một số dịch giả nổi tiếng đang sống tại TP.HCM
Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng
Trong thời nào, dịch cũng là quan trọng, bởi sự giao lưu - tìm hiểu lẫn nhau thì không bao giờ ngừng nghỉ. Dịch, tối thiểu cũng làm được 3 việc:
1/ Cần thiết, vì nó giúp nhiều người, qua bản dịch, xâm nhập vào được nhiều nền văn hoá.
2/ Bổ ích, vì người dịch thường chọn cái hay để có hứng thú dịch, nên người đọc cũng sẽ đọc được cái hay.
3/ Thú vị, vì qua từng từ, từng câu nhiều vấn đề dần dần hiện ra; người dịch sẽ thú vị đầu tiên.
Các bạn trẻ muốn đi vào nghề dịch văn học thì trước hết cần phải say mê một ngoại ngữ nào đó, học thật giỏi nó. Sau nữa, các bạn phải am tường tiếng mẹ đẻ để sử dụng được nhuần nhuyễn; không rành tiếng mẹ đẻ thì bản dịch sẽ rất ngây ngô. Cuối cùng, phải biết văn hoá - văn chương một cách tương đối tổng quát, vì nếu không sẽ rất khó để hiểu được nếp nghĩ và tâm hồn người khác. Tôi còn nhớ kịch tác gia, dịch giả Vi Huyền Đắc kể một chuyện thế này: Vì không hiểu văn hoá và đời sống, nên có người dịch câu nói của người Hoa: "Công môn đả lão phu" thành "Cửa công đánh bà già"; trong khi thực tế thì câu này ghi lại âm của câu chào tiếng Pháp: "Comment allez-vous?", nghĩa là "Bạn có khoẻ không?". Không hiểu văn hoá, dịch rất dễ bị ngớ ngẩn.
Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan
Dịch là nghề quá triển vọng đi chứ! Vì dịch là học và là cách học nhanh nhất, tốt nhất. Như ý nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, muốn học ngôn ngữ nào thì hãy dịch ngôn ngữ ấy ra tiếng Việt. Bản dịch cuốn "Đại cương văn học Trung Quốc" tương đối phổ biến, thì như ông nói trong hồi ký là dịch để học chữ Hán. Với lại, dịch cũng là một nghề tương đối tự do, mình là "sếp" của chính mình; làm thế nào thì thu nhập thế đó. Có điều, bây giờ giới trẻ ít được giáo dục tinh thần tự học và ít tự học nên có vẻ hơi e ngại khi bắt tay vào công việc dịch. Vì dịch, lúc nào cần tinh thần tự lập trong làm việc và chấp nhận sự đơn điệu; vì dịch thì thao tác công việc khá đơn giản, lại ít có sự thay đổi; nói như nhiều người là: hơi cô đơn. Nói tóm lại, nếu các bạn trẻ muốn bước vào nghề dịch, thì hãy chọn những vấn đề mà mình thật yêu thích, thật am hiểu, như thế sự thành công sẽ cao.
Dịch giả Phạm Viêm Phương
So với nhiều nghề khác trong xã hội thì dịch chẳng giống một cái nghề, nó không có giấy chứng nhận… Chọn nghề này, nghĩa là các bạn chọn cái mơ hồ và thường không có đích cụ thể để đạt, lâu lâu mới có một người dịch được xã hội công nhận. Về thu nhập, các bạn có thể kiếm được một khoản tiền mà chưa phải đóng thuế lợi tức (dưới 4 triệu tháng). Tuy nhiên, với một nền học thuật còn non yếu như Việt Nam, thì người dịch vẫn còn hi vọng là mình sẽ làm được khá nhiều việc có ý nghĩa; các bạn có thể trở thành chiếc cầu nối để nhiều người đến được những thành tựu của nước ngoài. Nếu chịu khó đầu tư, các bạn cũng sẽ có khả năng trở thành học giả, nhà nghiên cứu như các vị tiền bối. Có điều, dịch là công việc tỉ mỉ, tủn mủn nên rất cần sự cẩn trọng, vì chỉ có mình kiểm tra chính mình, sai mình biết. Và các bạn cũng đừng hi vọng sẽ có hay sẽ trở thành thần đồng dịch thuật, vì sự tích lũy kinh nghiệm dần dần sẽ ngăn cản bước chân bạn đi quá nhanh.
Dịch giả Huỳnh Phan Anh
Với các bạn trẻ, tôi không muốn tuyên bố gì cả, chỉ có vài lời tâm sự thế này: Khi chọn dịch, nghĩa là tôi muốn kéo dài việc đọc, muốn yêu thích thêm một lần nữa tác phẩm mà mình đã đọc; và nếu được, chuyển cái yêu thích của mình đến nhiều người khác. Từ những năm 1970, tôi bắt đầu dịch vì thấy mình khô cạn nguồn sáng tác, có thể nói dịch như một lối thoát, vì nếu không dịch, tôi sẽ khó chịu nổi cảnh đơn điệu trong tâm hồn. Từ cuối thập niên 80, ngoài sự yêu thích, tôi còn dịch như một nhu cầu kiếm sống, dịch trong sự "khủng bố của nợ nần", có năm tôi xuất bản 10 tác phẩm. Có điều, dù đích đến là gì thì dịch cũng phải bắt đầu từ tình yêu, sự say mê. Không có sự say mê văn học, ngôn ngữ dân tộc thì nghề dịch rất nhàm chán. Với tôi, dịch là hoà tan tác phẩm nước ngoài vào ngôn ngữ dân tộc. Còn với các bạn trẻ, thì chẳng cần gì phải e ngại, vì mọi chân trời đều rộng mở, chỉ cần tự trang bị cho mình một đam mê.
Nhà nghiên cứu An Chi
Tuy không chuyên dịch nhưng do thường xuyên tiếp xúc với các vấn đề của bản dịch nên tôi thấy rằng: Muốn dịch tốt, không chỉ nắm rõ ngôn ngữ cần dịch mà còn phải hiểu ý nguyên tác, hiểu ý tác giả. Ví dụ: "sầu sát nhân" đúng là "buồn chết người", nhưng không phải lúc nào cũng dịch như thế, mà nhiều khi phải dịch "buồn da diết". Đây là ngữ vị từ diễn tả cấp độ (cực cấp: mức độ cao nhất). Nhưng nhiều người vẫn có tâm lý, nếu dịch "buồn da diết" thì sợ bị chê là dịch sai; và vì sợ sai, nên nhiều bản dịch đã né tránh ngữ cảnh. Mà ngữ cảnh mới là quan trọng, hiểu ngữ cảnh, sự thành công của bạn dịch có thể đạt đến 70%. Vì ngữ cảnh nó bao gồm các chuỗi ngữ nghĩa (cấu trúc ngữ nghĩa), mà dịch là đối diện trực tiếp với các chuỗi ngữ nghĩa v.v... Vì thế, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, khi nào có đủ yêu thích thì hãy bắt đầu, bằng cách chọn cho mình một chuỗi ngữ nghĩa.
Nhà ngôn ngữ, dịch giả Cao Xuân Hạo
Tôi hơi lạ vì các bạn trẻ lại hỏi về chuyện dịch thuật, vì cái nghề này có gì hấp dẫn đâu nhỉ. Sự hấp dẫn có chăng, là ở cái quyền làm người trung gian, tự chọn lựa cái hay (thậm chí cái dở) để giới thiệu. Còn cái nghề này, muốn làm tốt thì tất nhiên cần phải học nghiêm túc, giáo trình trên thế giới thì không thiếu, cái thiếu là các bạn không có đủ say mê để học, không có chỗ để học, ngay trong giờ học ngoại ngữ thì người dạy cũng không có đủ thời gian để chỉ ra những đặc điểm hình thái; mà không nắm được đặc điểm hình thái trong từng câu thì rất khó để bắt đầu công việc dịch. Ngoài ra dịch cũng còn một cái khó (dường như là khó nhất) là làm thế nào để tạo ra được một bản dịch uyển chuyển, hài hoà giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ gốc. Nói như dịch giả Trương Chính, muốn dịch cho hay thì phải hình dung được trong tình huống như thế, người Việt nói như thế nào.