Dịch thuật là nghề xa xỉ Thứ Bảy - 2/6/2012

Dịch thuật là nghề xa xỉ

SGTT.VN - Sinh 1956 tại Hà Nội. Năm 1974 đi CHDC Đức học kiến trúc đến 1980. Làm kiến trúc cho đến 1994, sau đó làm nhiều nghề vặt khác như quảng cáo, lái xe tải, mở quán ăn, sản xuất xúc xích... Hồi hương 2001, sống bằng nghề biên dịch và phiên dịch. Lê Quang đã đến với độc giả qua nhiều bản dịch nổi tiếng như Người đọc (Bernhard Schlink), Tình ơi là tình (Elfriede Jelinek)… Quan điểm hành nghề của anh khá gọn: “Chính độc giả là người quyết định tôi có tiếp tục theo đuổi nghiệp này hay không”.

Được biết anh đang dịch Tôi là ai, và nếu vậy, thì bao nhiêu? của một triết gia đương đại. Tại sao lại có sự thay đổi “khẩu vị” dịch thuật như vậy?

Tôi làm điều này cùng một đồng nghiệp, cuốn Who Am I? And If So, How Many? của Richard David Precht, một triết gia trẻ. Hiếm khi – hay đúng ra là chưa bao giờ – tôi được trải nghiệm cách tiếp cận vấn đề qua phương tiện triết học thông minh, đơn giản và thú vị đến vậy. Tôi tin là ai đọc xong cuốn này sẽ có cái nhìn khác hẳn về triết học và xã hội học, vốn bị coi là những mảng khô khan khó nhằn, nhất là đối với giới trẻ, hoặc nói chung, với những ai bị làm cho méo mó cái nhìn về môn triết qua những biến tướng thô lậu. Nếu không có gì thay đổi thì cuối thu này bản tiếng Việt sẽ hoàn thành.

Nghề kiến trúc nghe có vẻ “giàu sang” hơn cái nghề dịch thuật. Tại sao anh quyết định làm công việc nặng nhọc này?

Tôi không chọn việc, mà bụng đói đầu gối phải bò. Từ khi về nước tôi nhảy ra công trường xây dựng, làm phiên dịch, viết báo, hướng dẫn du lịch… để kiếm sống. Một ngày đẹp trời tôi được mời dịch thử cuốn The Reader (Người đọc) của Bernhard Schlink và nhận ra rằng nên bắt đầu ngay công việc mà tôi định dành cho lúc “về hưu rỗi rãi”: dịch thuật. Đây là một công việc xa xỉ: người ta có thể phân chia thời gian theo ý thích, có quyền chỉ làm những gì mình muốn – nghĩa là có thể vứt vào xó rồi tháng sau quay lại, có thể từ chối nếu không thấy thích rồi lựa quyển khác... Liệu có mấy nghề được phép chọn việc như thế? Tôi vốn thích đọc sách, nay được ung dung ngồi nhà đọc, lại còn được trả tiền nữa thì còn gì bằng!

Anh nghĩ gì về công việc của dịch giả trong bối cảnh văn chương, văn hoá, chính trị và đời sống hiện nay?

Tôi gặp rất nhiều dịch giả bi quan vì 1.000 lý do khác nhau. Bỏ qua đề tài muôn thuở tên là thù lao – nói cho cùng, thì không ai dí súng vào đầu bắt tôi dịch cả, còn nếu tôi chấp nhận món tiền công đó thì đừng kêu ca nữa! Tôi chỉ e ngại một điều: kho tàng tri thức của nhân loại cực kỳ đồ sộ và sách vở là một trong những con đường ngắn để tiếp cận nó, nhưng có vẻ thị hiếu người đọc đang chịu ảnh hưởng của cuộc sống xô bồ và ngày càng nặng về ganh đua vật chất. Dĩ nhiên không ai cấm bạn chọn năm ly bia thay vì một cuốn tiểu thuyết hay sách chuyên môn, nhưng nếu rất rất… rất nhiều người sẵn sàng nhậu liên miên mỗi ngày hai bữa nhưng cả năm không mua cuốn sách nào thì đáng lo. Một vấn đề nữa là sự lạm dụng của nhiều khái niệm cao su trong kiểm duyệt. Nó khiến không ít người trở nên ngoan ngoãn tự kiểm duyệt mình trước cho “phải đạo”. Làm việc trong không khí ấy thì mất hết hứng sáng tạo!

 

(Theo SGTT)

Bài viết liên quan

VP Hà Nội
(024) 35202364 Hotline : 0903019361
Báo giá online
File đính kèm:
Upload: