Dịch thuật Lạc Việt: Về một hướng phát triển cho hoạt động dịch thuật
Thứ Tư - 13/3/2013
Không riêng gì hoạt động và sản phẩm của ngành dịch thuật, chắc chúng ta ai cũng thấy trong mọi lãnh vực học thuật và xuất bản, hiện đang có tình trạng “vàng thau lẫn lộn.” Hàng thật và hàng giả (và cả người thật - người giả nữa) chen vai nhau trên quầy sách ngoài thị trường cho đến ghế học viên và bục giảng ở mọi trường lớp lớn nhỏ.
Nêu lên hiện trạng trên chẳng phải để ta bi quan, mà theo tôi, đấy là một bước phát triển tất yếu của một giai đoạn chuyển mình của xã hội khi bước vào kinh tế thị trường với tất cả thiếu sót và chuẩn bị ở phía sản xuất, điều hành lẫn phía tiêu thụ. Có thể kết luận ngắn gọn rằng chính thị trường, và nhu cầu thị trường, vốn phát triển quá nhanh vượt quá tầm của mọi nỗ lực kiểm soát, đã dẫn đến sự ra đời của thứ hàng hoá kém chất lượng trong khi người tiêu dùng chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có ý thức về quyền lợi của mình, và có quá ít cơ hội để đấu tranh giành quyền lợi ấy.
Tình trạng ra đời tràn lan những dịch phẩm, cũng như những công trình học thuật khác, kém chất lượng cũng không nằm ngoài chiều hướng diễn biến ấy. Và người đọc (tức người tiêu dùng), trên con đường săn lùng kiến thức hay thưởng ngoạn văn chương, cứ phải mua nhầm những sản phẩm đó và đành cắn răng không biết kêu vào đâu hay trông cậy vào ai.
Nếu chúng ta đồng ý rằng thị trường là nguyên nhân chính cho tình trạng trên, thì theo tôi, giải pháp mà ta muốn tìm cũng phải nằm trong bản thân thị trường. Lịch sử cho thấy cách hay nhất để thị trường loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng là đào thải tự nhiên thông qua cạnh tranh lành mạnh. Trong một thị trường có nhiều người bán và nhiều người mua, không có tình trạng độc quyền và có một cơ chế trọng tài công bằng, chắc chắn người nào bán sản phẩm tốt và có cách phục vụ tốt sẽ thu hút được người mua. Người bán nào không có được những yếu tố trên thì sẽ bị đào thải, cùng với sản phẩm của họ. Dĩ nhiên, quá trình đào thải này đòi hỏi thời gian, hiểu biết của người tiêu dùng, và vai trò khôn ngoan của trọng tài (thường là nhà nước).
Để thúc đẩy tiến trình đào thải, thị trường cần có cạnh tranh lành mạnh. Điều đó có nghĩa là mọi rào cản hay hạn chế đối với cạnh tranh lành mạnh phải bị xoá bỏ. Nói cách khác, chúng ta cần giải phóng lực lượng sản xuất để mọi người đều có thể tham gia vào thị trường. Điều này sẽ xảy ra như thế nào trong hoạt động, và thị trường, dịch thuật?
Tình trạng lý tưởng sẽ là: mọi người đều có thể làm dịch thuật, xuất bản dịch phẩm và có ý kiến về dịch phẩm. Nó sẽ tương tự như tình trạng: ai muốn sản xuất nước tương, bán nước tương, tố cáo bọn làm nước tương giả hay quảng cáo cho nước tương của mình, thì đều có quyền và cơ hội làm như thế, dĩ nhiên là dưới sự bảo đảm và giám sát của trọng tài nhà nước để tất cả những việc làm trên đều trung thực.
Nhà xuất bản nào, vì thiếu khả năng biên tập, hiệu đính, hay tổ chức bản thảo, mà cho ra đời những dịch phẩm kém cỏi, sẽ phải bị thua lỗ hay phá sản mà không được trông cậy vào nguồn tài trợ nào. Người đọc cũng như dịch giả có kênh thông tin để tìm hiểu và phát biểu ý kiến về các dịch phẩm (thuận tiện và rẻ tiền nhất là sử dụng Internet, như trường hợp phát biểu ý kiến về cuốn Mật mã Da Vinci). Cơ chế trọng tài (thường là nhà nước) phải buộc nhà sản xuất (tức nhà xuất bản) phải bồi thường cho người tiêu dùng, hoặc chấp nhận tình trạng người mua trả hàng và đòi lại tiền. Những điều kiện trên sẽ giúp đào thải sản phẩm tồi, nâng cao ý thức về quyền lợi của người tiêu dùng, và lành mạnh hóa thị trường dịch thuật.
Nói cách khác, chúng ta cần có thêm nhiều nhà xuất bản, nhiều công ty xuất bản và dịch thuật, nhiều dịch giả và nhiều người đọc hơn, để thị trường sôi động, có sức đào thải nhanh và khẳng định những dịch phẩm giá trị. Chúng ta không nên lo ngại rằng tình trạng như thế sẽ làm tăng số lượng dịch phẩm tồi, mà ngược lại, chúng ta phải tin rằng: người đọc không thể bị lừa mãi, và những dịch phẩm tốt sẽ được tôn vinh, và bán chạy (nếu thị trường đã từng chấp nhận và tiêu thụ biết bao dịch phẩm tồi, thì không có lý do gì mà dịch phẩm tốt lại không có chỗ đứng). Mọi rào cản nào khiến ta không đạt được tình trạng trên đều phải được gỡ bỏ (những rào cản ấy là gì thì xin dành cho một bài khác). Đây cũng là xu hướng hội nhập quốc tế. Chúng ta cần có cạnh tranh lành mạnh để chuẩn bị cạnh tranh với nước ngoài.
Khu vực tư nhân và cá thể, vốn là lực lượng rất mạnh và đang có đóng góp lớn lao vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, chưa có vai trò gì nhiều trong lãnh vực dịch thuật, và xuất bản, nói chung. Họ cần được khuyến khích, và có quyền tham gia nhiều hơn vào việc sản xuất loại sản phẩm đặc biệt này. Việc làm này chính là giải phóng lực lượng sản xuất, một điều luôn được tung hô nhưng tiến hành chậm chạp.
Một thời gian rất dài sống trong chế độ bao cấp đã khiến nhiều người trong chúng ta có thói quen trông chờ một giải pháp hay chiến lược phát triển từ phía nhà nước. Tôi tin rằng một khu vực tư nhân mạnh, năng động và nhạy bén với thị trường (điển hình là khu vực tư nhân ở TP.HCM) hoàn toàn có khả năng vạch ra chiến lược kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn bản thảo, và cho ra đời được những tác phẩm, trong đó có dịch phẩm, tốt và có giá trị tham khảo. Đây cũng là điều đang xảy ra ở những công ty văn hoá tại địa phương này, tuy chỉ mới ở giai đoạn đầu.
Phát huy vai trò của khu vực tư nhân chính là giải pháp từ thị trường, từ dưới lên, và dựa vào quần chúng đông đảo, có thể làm đối trọng cho loại giải pháp trông vào nhà nước, từ trên xuống, và dựa vào ý chí của thiểu số có thẩm quyền. Cũng cần nhắc lại với nhau rằng, việc này đã xảy ra ở những lãnh vực khác và được gọi tên là “xã hội hoá”.