Dịch thuật lạc việt: Chín lỗi nhỏ trong dịch thuật gây thiệt hại lớn Thứ Tư - 6/3/2013

Viết văn dễ hơn dịch. Văn của mình, mình viết sao mình cũng thấy hay cả. Người dịch bị giới hạn bởi nhiều thứ. Dịch sai cũng là chuyện rất thường xảy ra. Chúng ta tưởng chuyện quốc gia hệ trọng, người dịch cho vị nguyên thủ quốc gia phải là những dịch giả tài ba, nếu không dịch hay ít nhất cũng phải dịch đúng. Ấy thế mà chẳng những họ đã sai, mà lại sai trầm trọng. Nếu bạn lỡ dịch sai, xin đừng tự tử (nếu có tự tử xin dùng bún hay mì để tránh tổn thất nghiêm trọng). Bạn không phải là người đầu tiên và chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. “Biết nói hai thứ tiếng không có nghĩa là biết cách dịch. Dịch là một khả năng đặc biệt mà dịch giả cố gắng cực nhọc để phát triển.”

Trong quyển sách mới ra lò “Found in Translation,” hai dịch giả chuyên nghiệp Nataly Kelly và Jost Zetzsche kể lại nhiều giai thoại dịch thuật rất hấp dẫn, từ chuyện gửi tin ngắn (text message) trong khi cứu trợ động đất ở Haiti cho đến những khó khăn trong khi thông dịch cho Thế Vận Hội và Giải Bóng đá thế giới cho đến tình bạn đặc biệt với những nhà thông dịch riêng của những người nổi tiếng như Yao Ming và Marlee Matlin. Sự quan trọng của dịch thuật nổi bật nhất khi những điều bất ổn đã xảy ra. Sau đây là 9 lỗi lầm nhỏ trong dịch thuật nhưng gây tai hại thật to lớn, tác giả Arika Okrent đã nêu ra trong bài báo đăng trên Mental Floss.

1. Dịch sai một chữ, tốn bảy mươi mốt triệu Mỹ kim. Năm 1980, Willie Ramirez được đưa vào bệnh viện ở Florida trong tình trạng hôn mê. Gia đình của bệnh nhân cố diễn tả bệnh trạng với đội cấp cứu nhưng họ chỉ biết nói tiếng Spanish. Thông dịch viên của bệnh viện dịch chữ “intoxicado” thành “intoxicated” (say) thay vì “poisoned” (ngộ độc). Gia đình của bệnh nhân cho là anh ta ăn nhằm thức ăn độc trong khi thật sự anh ta bị xuất huyết não. Bác sĩ chữa trị anh như là người bị ngộ độc (như bị quá liều ma túy hay say rượu nặng) dựa vào triệu chứng của bệnh nhân. Bởi vì không chữa đúng cách và kịp thời nên bệnh nhân trở nên tê liệt. Ramirez kiện bệnh viện và được bồi thường 71 triệu Mỹ kim.

2. Kẹo sô-cô-la cho chàng Vào những năm 50, các hãng kẹo sô-cô-la bắt đầu khuyến khích khách hàng mua kẹo để mừng ngày dành riêng cho Tình Nhân ở Nhật Bản. Hãng kẹo dịch sai nên người Nhật Bản hiểu lầm là các bà phải tặng kẹo sô-cô-la cho người yêu trong ngày lễ Tình Nhân này thay vì được các ông tặng kẹo. Vì sự hiểu lầm này họ tặng các ông sô cô la cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên họ được bù đắp vì các ông sẽ tặng lại các bà vào ngày 14 tháng Ba. Chỉ có các hãng kẹo là được lời.

3. Không làm gì cả. Năm 2009 ngân hàng HSBC đã phải bỏ ra 10 triệu để sửa chữa những thiệt hại tài chánh khi chữ “Assume Nothing” (đừng có “tưởng là” hay dự đoán những sự kiện mà không kiểm chứng) đã được dịch thành “Do Nothing” (không làm gì cả) ở một số quốc gia.

4. Thị trường sụt giá Năm 2005 đồng Mỹ kim bị tụt giá vì thị trường hối đoái đã sợ hãi vì bản dịch ra Anh ngữ không chính xác của Guan Xiangdong, China News Service đăng trên Internet. Bản chính là một bài tường thuật chung chung có tính cách phỏng đoán nhưng bản dịch ra tiếng Anh dùng những chữ có luận điệu xác định và chắc chắn.

5. Lòng Thèm Muốn Trong tương lai Khi Tổng thống Carter du hành sang Ba Lan năm 1977, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thuê một nhà thông dịch người Nga biết tiếng Ba Lan nhưng không chuyên nghiệp trong việc phiên dịch. Thông dịch viên dịch chữ nào thì Tổng thống Carter đọc ra tiếng Ba Lan chữ ấy. Những câu được dịch là when I abandoned the United States (khi tôi bỏ rơi Hoa Kỳ) trong khi nguyên tác là when I left the United States (khi tôi rời khỏi Hoa Kỳ) và “your lusts for the future” (sự thèm muốn có hàm ý dục vọng cho tương lai) thay vì “your desires for the future” (những mơ ước cho tương lai) đã làm giới báo chí của cả hai nước cười thú vị.

6. Chúng tôi sẽ chôn các người Vào lúc cao điểm của thời chiến tranh lạnh, Thủ tướng Nga Nikita Khrushchev đã đọc một bài diễn văn trong đó ông nói một câu bằng tiếng Nga “chúng tôi sẽ chôn các người.” Câu này được xem như một lời đe dọa sẽ chôn Hoa Kỳ bằng vũ khí nguyên tử làm tăng thêm phần căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga. Tuy nhiên, câu này được dịch sát nghĩa đen một cách quá đáng. Thật ra câu này có nghĩa là “we will live to see you buried” tức là chúng tôi sẽ tồn tại lâu dài hơn các ông. Dù câu này chẳng mấy thân thiện nhưng nó không đến nỗi mang tích cách đe dọa nạt như câu dịch truớc.

7. Cái gì ở trên đầu của Moses? Thánh Jerome, thánh đỡ đầu của thông dịch viên, học tiếng Hebrew để có thể dịch kinh Cựu Ước sang tiếng La-tinh từ nguyên tác, thay vì dịch bản tiếng Hy lạp thời thế kỷ thứ ba mà mọi người đã dùng. Bản tiếng La-tinh trở thành nền tảng cho hằng trăm bản dịch sau đó, có chứa một lỗi. Khi Moses xuống núi Sinai đầu của ông có “radiance” (hào quang) hay là theo ngôn ngữ Hebrew “karan.” Nhưng ngôn ngữ Hebrew được viết không có nguyên âm, và thánh Jerome đã đọc chữ “karan” thành “keren,” nghĩa là horned (mọc sừng.) Từ lỗi này mà hằng mấy trăm năm sau trong các bức tranh và tượng điêu khắc, Moses luôn có sừng và người Do Thái thường bị nhạo báng là những kẻ có sừng.

8. Bạn phải thắng Sheng Long Trong trò chơi điện tử “Street Fighter II” của Nhật Bản, một nhân vật nói rằng, “nếu bạn không thể đỡ được Cú Đấm Rồng Bay, bạn không thể thắng cuộc!” Khi câu này được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, những chữ nói về “rising dragon” (rồng bay lên) được dịch thành ra danh từ “Sheng Long.” Cùng một cách viết nhưng cách đọc tiếng Nhật thì khác, và dịch giả, dịch một loạt danh sách những câu viết ngắn và không biết tình huống mà những câu này được áp dụng, đã tưởng lầm rằng một nhân vật mới được đưa vào trong trò chơi này. Những người chơi trò chơi đã điên đầu cố tìm cho ra nhân vật Sheng Long và làm cách nào để thắng hắn. Năm 1992, vào ngày April Fool (ngày được quyền nói láo để đùa nghịch) tờ nguyệt san Electronic Gaming đã cho phát hành lời chỉ dẫn rất công phu và khó sử dụng về cách thức tìm Sheng Long. Chuyện giả mạo này không được tiết lộ mãi đến tháng 12, sau khi vô số giờ của người chơi game đã bị lãng phí.

9. Thiệt hại lớn ở Waitangi Năm 1840, chính phủ Anh ký hiệp ước với các vị thủ lãnh của bộ lạc Maori ở New Zealand . Người Maori muốn người Anh bảo vệ họ để tránh bọn cướp bóc tù tội, những tên thủy thủ, hay những kẻ xấu đi ngang qua lãnh thổ của họ; còn người Anh thì muốn thâu tóm thêm thuộc địa. Hiệp ước Waitangi được soạn thảo và cả hai bên đều ký kết. Tuy nhiên hai bên đã ký vào hai tài liệu khác nhau. Trong bản tiếng Anh, dân tộc Maori sẽ “cede to Her Majesty the Queen of England absolutely and without reservation all the rights and powers of Sovereignty” có nghĩa là người Maori đồng ý giao hoàn toàn chủ quyền quốc gia cho Nữ Hoàng Anh mà không đòi hỏi gì cả. Trong bản dịch ra tiếng Maori, được một nhà truyền giáo người Anh soạn thảo, người Maori không phải từ bỏ quyền chủ quyền quốc gia mà chỉ giao quyền cai trị hành chánh. Lãnh tụ Maori tưởng lầm là họ sẽ được giúp đỡ với hệ thống pháp luật của người Anh, nhưng vẫn được giữ quyền cai trị dân của họ. Điều này không xảy ra như họ mong đợi, và nhiều thế hệ sau những vấn đề chung quanh nghĩa của hiệp ước này vẫn còn được mang ra bàn thảo.

Bài viết liên quan

VP Hà Nội
(024) 35202364 Hotline : 0903019361
Báo giá online
File đính kèm:
Upload: